Các dòng men sứ Bát Tràng | Các dòng men Bát Tràng | Men Sứ Bát Tràng | Tìm hiểu về 5 dòng men của Bát Tràng
Gốm Bát Tràng có 5 dòng men đặc trưng được thể hiện qua mỗi thời kì khác nhau để tạo nên những sản phẩm đặc trưng khác nhau: men lam xuất hiện khởi đầu ở Bát Tràng với những đồ gốm có sắc xanh chì đến đen sẫm; men nâu thể hiện theo phong cách truyền thống và được vẽ theo kĩ thuật men lam; men trắng ngà sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19, men này mỏng, màu vàng ngà, bóng thích hợp với các trang trí nổi tỉ mỉ; men ngọc được dùng kết hợp với men trắng ngà và nâu tạo ra một đòng Tam thái rất riêng của Bát Tràng ở thế kỉ 16–17 và men rạn là dòng men chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỉ 16 và phát triển liên tục qua các thế kỉ 17–19.
1. Men lam
Đây là loại men sớm nhất được sử dụng tại Bát Tràng từ thế kỉ 14. Men lam là men gốm được cộng thêm với gốc màu là ôxít côban. Thợ Bát Tràng sử dụng men lam đồng thời với kĩ thuật dùng bút lông làm công cụ vẽ trên đồ gốm. Men lam không để để trần như men nâu mà bao giờ cũng được phủ lớp men màu trắng bóng, có độ thuỷ tinh hoá cao sau khi nung. Men lam có sắc độ từ xanh chì đến xanh sẫm. Bên cạnh điểm tương đồng với các loại bình gốm hoa lam sản xuất ở lò Chu Đậu (Hải Dương), gốm hoa lam Bát Tràng ngay ở thời kì đầu đã có những nét riêng về dáng và về hoạ tiết trang trí. Những bát, âu, lọ, chân đèn gốm hoa lam của Bát Tràng thế kỉ 14–15 có nét chung dễ nhận là lối vẽ phóng bút, dù là vẽ phong cảnh, hoa dây lá hay vẽ rồng.
Gốm hoa lam Bát Tràng thế kỉ 16, có sắc xanh đen. Men lam dùng để vẽ mây kết hợp với trang trí hình rồng nổi để mộc, vẽ cánh sen, các băng đường diềm các cặp chân đèn ngoài ra men lam dùng vẽ vào các hình trang trí nổi rồng, hoa dây và cánh sen của chân đèn và lư hương.
Thế kỉ 17 là một thời kì men lam kém phát triển tại Bát Tràng. Trên một số các chân đèn, lư hương, hũ, tượng gốm Bát Tràng (thế kỉ 17) hiện còn, lớp men vẽ trang trí màu nâu ở những chỗ men phủ màu trắng ngà rạn bị bong tróc, chỗ còn men phủ, màu nâu có sắc xanh chì, đặc biệt là chân đèn và lư hương, các hình vẽ men lam kém chau chuốt và tình trạng khá phổ biến men lam chảy nhoè, không nhận ra các họa tiết. Trong khi đó khắc chạm nổi, để mộc rất tỉ mỉ, đạt tới đỉnh cao.
Những bộ Lộc Bình men lam cỡ lớn
Cuối thế kỉ 18, trong đỉnh cao về men rạn, Bát Tràng xuất hiện lối kết hợp trang trí nổi với vẽ lam như trên chân đèn, men lam được khôi phục trở lại trên đồ gốm Bát Tràng.
Thế kỉ 19, men lam được vẽ trang trí trên lư, choé, bình, lọ, bát hương, nậm rượn phủ men rạn trắng ngà hoặc đỉnh gốm, bình gốm men nhiều màu. Nét biểu hiện đặc trưng của men lam gốm Bát Tràng là sắc màu và lối vẽ, nhìn chung có sắc trầm. Dùng men lam vẽ phong cảnh sơn thủy, nhà cửa, lâu đài, nhân vật khá thành công trên bình. Men lam có sắc tươi dùng tô vẽ trang trí nồi trên đỉnh có thể là một trong số những tiêu bản gốm hoa lam đẹp nhất của gốm Bát Tràng ở cuối thế kỉ 19.
Trong xu hướng ảnh hưởng kiểu dáng, đề tài và cạnh tranh thị trường với gốm sứ Trung Quốc, đồ gốm Bát Tràng ở thế kỉ 19 còn có nhiều trường hợp dùng nhiều màu men. Chẳng hạn, để thể hiện đê tài Bát Tiên quá hải người thợ Bát Tràng dùng men nâu và men lam tô lên các hình trang trí nồi sau đó phủ men trắng rạn. Men lam cùng với men trắng vẽ các đề tài mã liễu, tiêu tượng, tùng lộc trên lư gốm men nâu, men lam vẽ cành liễu, khóm lan, bụi cỏ trong bức tranh nổi Tô Vũ chăn dê, men lam cùng với men nâu sắc sẫm và nhạt tạo nên chiếc đỉnh gốm men nhiều màu đồ sộ. Đó cũng là bằng chứng sinh động về bàn tay tài khéo của nhiều đời thợ gốm Bát Tràng được kế thừa và không ngừng tiến triển.
2. Men nâu
Một trong số các loại men sử dụng đầu tiên ở Bát Tràng là men nâu, sắc độ màu của men phụ thuộc nhiều vào xương gốm (xương gốm Bát tràng dày và thường có màu nâu xám). Trên các đồ gốm có niên đại thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15, men nâu được dùng tô lên các đồ án trang trí kết hợp với men nền màu trắng ngà bao gồm chân đèn, thạp, chậu, âu, đĩa...Men nâu có sắc độ đỏ nâu hay gọi là màu bã trầu (chocolate), men này không bóng, trên bề mặt men thường có vết sần. Men nâu còn được dùng phủ toàn bộ rồi cạo bỏ phần men tạo thành đồ án hoa văn mộc. Thế kỉ 14, thợ gốm Bát Tràng đã biết hạn chế sự ảnh hưởng màu men nâu do mộc bằng cách vẽ men nâu trên lớp men trắng ngà để chuyển men nâu đỏ sang vàng nâu.
Trong các loại hình của nhóm đồ gốm men nhiều mâu thế kỉ 16–17, men nâu được dùng xen lẫn với men ngọc, men ngà, tạo ra các sắc độ khác nhau. Men nâu giữ vị trí các đường chỉ chia băng, tô lên hoa sen hoặc các hình rồng, đối với lư hương chữ nhật men nâu tô lên phần chân đế...
Bộ ấm chén Tử Sa men nâu
Các đồ gốm thế kỉ 18 tiếp tục sử dụng men nâu nhiều theo cách thức cổ truyền, một số nghệ nhân tìm tòi phát huy thêm để làm phong phú màu men này, đặc biệt trên cặp tượng hổ chế tạo khoảng năm 1740, men nâu dưới lớp men rạn tạo nên bộ da hổ có màu sắc đa dạng hơn.
Thế kỉ 19, men nâu dùng làm nền cho các trang trí men trắng và xanh. Những bình, lọ men rạn ngà, thể hiện đề tài trang trí: Ngư ông đắc lợi, tùng hạc, Tô Vũ chăn dê, Bát tiên quá hải... men nâu dùng để tô trên những thân cây tùng, cây liễu hoặc điểm thêm vào các dải mây, tà áo của Bát tiên. Thế kỉ 19 là thời điểm đánh dấu men nâu đã chuyển sắc thành một loại men bóng (thường gọi là men da lươn), sử dụng rộng rãi ở Bát Tràng cho tới tận ngày nay.
3. Men trắng
Đây là loại men trắng, nhiều trường hợp ngả màu vàng ngà, bóng khi nhiệt độ nung đạt độ cao nhưng cũng nhiều trường hợp có màu trắng xám, trắng sữa, đục. Cùng với kiểu dáng và trang trí, men trắng ngà cũng tạo nên một nét riêng biệt của đồ gốm Bát Tràng. Men trắng ngà đã thấy sử dụng phủ lên trang trí men lam hay men nâu, nhưng trong rất nhiều đồ gốm Bát Tràng chỉ thấy dùng men trắng ngà.
Gốm Bát Tràng thế kỉ 17 đạt đỉnh cao trong kĩ thuật trang trí nổi với hầu hết các thủ pháp kĩ thuật chạm trổ, dán ghép. Men trắng ngà được sử dụng trên các lư hương để phủ trên các rìa, ước và đường viền ngoài phần trang trí nổi, rất ít khi phủ lên hình trang trí. Vì men trắng mỏng, xương gốm được lọc luyện kĩ và độ nung cao nên có chất lượng tốt, một số sản phẩm men trắng ngà phủ lên trang trí nổi dày vẫn có vết rạn men.
Ấm chén cao cấp men trắng Bát Tràng
Thế kỉ 18, men trắng ngà còn thấy sử dụng trên một số loại hình khác nhau cùng trang trí nổi để mộc. Những lư hương tròn được đắp nổi hình rồng và mặt nguyệt, phần còn lại phủ men trắng ngà.
Vào thế kỉ 19, gốm Bát Tràng chưa mất hẳn kiểu trang trí nổi để mộc, men ngà còn thấy sử dụng trên các loại bình, lọ, lư hương, tượng tròn. Bình gốm có nắp có các hình rồng mây và lục bảo trang trí nổi để mộc, phần còn lại phủ men trắng ngà. Trên các loại bình, lư hương quai tùng, lư hương chữ Thọ; cặp tượng đầu khỉ thân rắn, tượng rồng trang trí kiến trúc, tượng ba đầu, tượng Phật Bà Quan Âm ngồi trên toà sen đều thấy sử dụng men ngà, xám.
4. Men ngọc
Thế kỉ 14–19 men ngọc được dùng khá nổi trội cùng với men trắng ngà và nâu. Men ngọc, men ngà và nâu tạo ra loại Tam thái riêng của gốm Bát Tràng thế kỉ 16–17. Trên chân đèn men ngọc tô lên những bông sen nổi, băng hoa tròn của dải cánh sen các bông hoa tròn hình bánh xe, các hình rồng, các bông hoa nổi đường diềm quanh vai.
Men ngọc còn dùng vẽ mây, tô lên nhiều góc mảng diềm, đế và các cột dọc của long đình; men rêu sắc sẫm ở các cột vuông mô hình nhà 2 tầng hay một số mảng đường diềm lư hương chữ nhật. Men ngọc, sắc nhạt, trên chân đèn, đế nghê. Trên lư hương tròn men ngọc thấy điểm vào 4 hình chữ S nổi giữa thân và chân cùng một đôi chỗ trên bụng. Men ngọc sắc sẫm còn thấy tô trên một số mảng trang trí nổi, hình nghê của lư tròn và trên diềm trang trí nổi chân trước tượng nghê.
Ấm chén men ngọc Bát Tràng gốm xinh
Men ngọc, dù ở các sắc độ khác nhau nhưng sự xuất hiện của nó mang ý nghĩa rất lớn vì chỉ thấy trên đồ gốm Bát Tràng thế kỉ 16–17 và có thể xem đây là một dữ kiện đoán định niên đại khá chắc chắn cho các đồ gốm Bát Tràng trên nhiều loại hình khác nhau.
5. Men rạn
Bình gốm Bát Tràng, men rạn, thế kỉ 19, vẽ nhiều màu
Đây là một loại men độc đáo tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Cho đến nay các tài liệu gốm men cổ ở Việt Nam xác nhận mang men rạn chỉ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng từ khoảng cuối thế kỉ 16 và kéo dài tới đầu thế kỉ 20.
Lư hương khắc minh văn, do gia đình Đỗ Phủ sản xuất vào cuối thế kỉ 16 thể hiện lớp men rạn trên 2 phần dưới của lư hương tròn có thể xem là tiêu bản gốm men rạn sớm nhất. Men rạn có sắc ngà xám các vết rạn chạy dọc và ngang chia ra nhiều hình tam giác, tứ giác.
Mẫu ấm chén men rạn Bát Tràng
Cặp chân đèn do "Đỗ phủ xã Bát Tràng" tạo tạo khoảng năm 1600–1618, trong đó men rạn phủ toàn bộ từ miệng tới chân, có màu vàng ngà, rạn trong men, đường chỉ rạn màu đen. Những cặp hiện vật men rạn này rêu có trang trí nổi, ngoài men rạn ra không còn loại men nào khác, đó là những tiêu bản men rạn chuẩn mực của Bát Tràng vào thế kỉ 17.
Thế kỉ 18 Bát Tràng còn sản xuất nhiều đồ gốm men rạn có ghi niên đại. Đỉnh gốm men rạn chế tạo năm 1736, men rạn có màu trắng xám. Một đỉnh gốm men rạn khác, có nắp, thân và đế, chế tạo vào khoảng năm 1740–1768 lại dùng men rạn có màu vàng ngà... Men rạn còn được sù dụng trên các loại hình: chân nến trúc hoá long; ấm có nắp, đài thờ các nắp, cặp tượng nghê.
Thế kỉ 19, các đồ gốm dòng men rạn còn tiếp tục phát triển, bên cạnh việc sử dụng kết hợp men rạn với trang trí vẽ lam. Trên các đồ gốm, thợ Bát Tràng còn đắp nổi, khắc chìm hoặc không trang trí, men rạn có màu trắng xám.
Gốm xinh - Tinh hoa làng Gốm Việt
Bình luận về bài viết